Sự khác biệt giữa các món ngon ngày Tết Trung Thu của người Việt, Hàn, Trung
17/09/2024
Cùng Món Ngon Mỗi Ngày tìm hiểu ý nghĩa của các món ăn trong mâm cơm Tết Trung Thu của người Việt Nam - Hàn Quốc - Trung Quốc và xem có sự khác biệt nhiều không nhé!
Mục lục
Cũng như Việt Nam, một số nước châu Á khác cũng đón ngày Tết Trung Thu như một ngày đặc biệt để sum họp gia đình; trong đó, có thể kể đến nước Hàn Quốc và Trung Quốc. Vì được xem là ngày quan trọng, nên thường các gia đình sẽ tổ chức những bữa cơm với các món ăn mang ý nghĩa đặc biệt để dành riêng cho các thành viên cùng nhau thưởng thức và cầu may, ấm no hạnh phúc.
Hôm nay, cả nhà hãy cùng Món Ngon Mỗi Ngày du ngoạn một vòng, xem thử mâm cơm Tết Trung Thu của người Việt, Hàn, Trung có các món ngon gì và có sự khác biệt nhiều không nhé!
🌕 Các món ăn ý nghĩa ngày Tết Trung Thu của người Việt Nam
1. Bánh Trung Thu: Nhắc đến Tết Trung Thu thì đương nhiên món ăn ý nghĩa đầu tiên phải ngay chiếc bánh Trung Thu, bên cạnh đó còn có bánh dẻo, bánh nướng…. mang ý nghĩa đặc biệt là hương vị ấm áp của gia đình ngày đoàn viên. Bánh Trung Thu có lớp vỏ mềm thơm màu vàng nâu óng, được làm từ bột mì nhào đều với lòng đỏ trứng, bơ đậu phộng, mật ong hoặc nước đường thắng. Phần nhân bên trong thì được chế biến đa dạng hơn để phù hợp với nhiều khẩu vị ngày nay hơn. Ví dụ: Nhân thập cẩm (mè, mỡ đường, mứt chanh, mứt bí, hạt dưa, hạt hướng dương, hạt điều, hạt sen,…), nhân đậu xanh trứng muối, nhân khoai môn, lá dứa, hạt sen,…). Bánh dẻo thì có lớp vỏ dẻo ngọt màu trắng từ bột nếp, nhân bên trong đơn giản hơn bánh Trung Thu truyền thống.
2. Chả cốm:Tuy có thể dễ dàng thấy các hàng quán ngày nay đều có món chả cốm, nhưng thực sự rất ít ai biết món chả thơm từ cốm này được người Hà Nội xưa thường dùng trong ngày Tết Trung thu. Vị béo ngậy của chả, thịt kết hợp với độ dẻo và vị bùi của cốm đã tạo thành món ăn tuyệt vời. Món chả cốm này phổ biến với người miền Bắc hơn so với người miền Trung và miền Nam.
Món Chả cốm tạo hình
3. Xôi cốm:Gồm 3 nguyên liệu chính là: đậu xanh, cốm non và dừa nạo. Đậu xanh ngâm trước nửa ngày, sau đó hấp chín rồi nghiền nát, trộn với cốm non, dừa nạo ướp đường trắng rồi đem xào trên lửa liu riu. Xôi cốm là một trong những món ăn món ăn mang ý nghĩa đặc biệt vì có mùi thơm thoang thoảng của đất trời như để cầu mùa và không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu của Việt Nam ngày xưa.
4. Canh khoai môn: Món canh khoai môn quen thuộc này được người xưa quan niệm rằng: việc ăn khoai môn có thể giúp diệt ác, trừ tà, tôn sùng cái thiện và chúng được chọn vào mâm cơm ngày Tết Trung thu ngụ ý muốn xua tan điều không may và cầu mong một vụ mùa sắp tới may mắn. Canh khoai môn thường được nấu với xương lớn, sườn non hoặc thịt gà.
5. Thịt heo quay: Thịt heo quay với lớp da ngoài vàng óng, cắn vào giòn tan, lớp mỡ dưới da mềm dai nhưng không bở còn lớp thịt phải chắc, mềm, thơm và không đọng lại quá nhiều dầu mỡ là một trong những món ngon không thể thiếu ngày Tết Trung Thu.
6. Ngó sen: Ngó sen là biểu tượng cho sự cát tường. Vì thế, các món ăn ngon từ ngó sen là món ăn cũng vô cùng ý nghĩa với mâm cơm Tết Trung Thu của người Việt Nam.
7. Gỏi bưởi: Mâm cỗ ngày Trung thu không thể thiếu các món ăn thanh mát và đặc biệt là các món ăn ngon được chế biến từ bưởi. Hầu hết mọi người thường chọn gỏi bưởi bằng cách xé tơi múi bưởi trộn đều với tôm sú luộc, thịt ba chỉ thái mỏng cùng nước trộn gỏi chua cay mặn ngọt.
🌕 Các món ăn ý nghĩa ngày Tết Trung Thu (Tết Chuseok) của người Hàn Quốc
1. Songpyeon: được xem là “bánh trung thu kiểu Hàn Quốc” – một món bánh gạo truyền thống có nhân vừng, đậu đen, quế, hạt thông, hạt dẻ và mật ong… được bọc lại bởi lớp vỏ mềm dẻo thơm mùi lá thông và có tạo hình giống trăng non có ý nghĩa như là một tương lai tươi sáng và thành công cho thành viên trong gia đình.
2. Hangwa: Không chỉ ngày Tết Trung Thu mà trong các ngày lễ đặc biệt, người Hàn Quốc rất hay làm món bánh Hangwa để chiêu đãi. Hangwa được làm từ bột gạo, mật ong, hoa quả và các loại rễ cây được tạo thành hình và sắp xếp tỉ mỉ, bắt mắt với nhiều hương vị khác nhau như: dừa, mè, đậu xanh, đậu đỏ, matcha,…
Songpyoen và Hangwa là hai loại bánh luôn có trong mâm cơm ngày Tết Trung Thu của người Hàn
3. Japchae (Miến xào): Japchae là một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết Trung Thu của người Hàn Quôc. Ngày nay, món Miến xào Hàn Quốc này được rất nhiều bạn trẻ yêu thích nhờ vì dai của miến xào cùng các loại rau củ, hải sản thơm đậm đà mùi nước tương, dầu hào và dầu mè.
4. Jeon (Bánh kếp): Bánh kếp hay còn được biết đến là “bánh xèo kiểu Hàn” là một loại bánh truyền thống với cách làm và nguyên liệu đơn giản. Với phần bột mì được rán giòn, cùng với hành lá, hẹ, hải sản,…
Món Joen – Bánh xèo Hàn Quốc
5. Canh khoai môn: Cũng như người Việt, ngày Tết Trung Thu người Hàn Quốc cũng có món canh khoai môn, khoai sọ hầm cùng với gân bò hoặc ức bò.
6. Bulgogi (Thịt nướng): Người Hàn coi món thịt nướng (là một trong những món ăn đặc biệt để thưởng thức cùng với gia đình trong dịp Tết Trung Thu. Những miếng thịt heo hoăc Thịt bò nướng mè kiểu Hàn Quốc ăn kèm với rau củ, kim chi và cơm trắng.
7. Lê: Là một trong những loại trái cây thanh mát rất được yêu thích tại Hàn Quốc, vì vậy trong những mâm cỗ của người Hàn Quốc, họ thường dùng lê để chế biến món ăn, để trưng bày hoặc làm món tráng miệng.
🌕 Các món ăn ý nghĩa ngày Tết Trung Thu ủa người Trung Quốc
1. Bánh Trung Thu: Bánh trung thu Trung Quốc ngày nay rất đa dạng với sự sáng tạo về nguyên liệu, hương vị, màu sắc cũng như họa tiết; tùy vùng miền sẽ có những phiên bản riêng với vỏ bánh và nhân bánh khác nhau. Bánh có hình tròn giống như trăng tròn tượng trưng cho sự đoàn tụ gia đình.
2. Món vịt: Các món vịt phổ biến là vịt om, vịt quay… là một trong những món ăn đã trở thành phong tục ở nhiều nơi ở Trung Quốc trong dịp Tết Trung thu; không chỉ vì lợi ích sức khỏe mà món ăn này còn gắn với một câu chuyện dân gian xưa.
3. Cua lông: Mùa thu là thời điểm thích cua lông ngon và nhiều dinh dưỡng nhất. Vì vậy, khu vực Thượng Hải chọn món ăn này như là một điểm nhấn trong các bữa tối đoàn tụ trong dịp Tết Trung thu.
4. Canh khoai môn: Khoai môn có cách phát âm như câu nói may mắn đang đến trong tiếng Trung Quốc. Cũng như Việt Nam và Hàn Quốc, người Trung Quốc tin rằng ăn khoai môn trong dịp Trung thu sẽ xua tan những điều xui rủi, mang lại may mắn và giàu có.
5. Củ sen: Củ sen những sợi tơ mỏng manh của củ sen tượng trưng cho sự gắn kết bền chặt của gia đình và đó là lý do các món từ củ sen thường có trong mâm cơm ngày vào ngày Tết Trung thu.
6. Bí ngô: Ở một số vùng khó khăn, thì các gia đình không có điều kiện thường dùng bí ngô bánh trong dịp Tết Trung thu, ngoài ra chúng con mang ý nghĩa đem lại sức khỏe tốt.
7. Ốc sông: Người dân Quảng Châu và HongKong xa xưa cho rằng: ăn ốc sông trong dịp Tết Trung thu sẽ đảm bảo mùa màng bội thu, xua đuổi điều xui xẻo và tốt cho sức khỏe.
Món Ốc xào khế
8. Rượu quế hoa: Tết Trung thu vào đúng mùa hoa quế nở rộ, nên từ lâu đời, họ thường ngâm rượu lên men từ hoa quế để dùng thay cho lời mong cầu đoàn tụ gia đình và cuộc sống hạnh phúc.
9. Trái cây: Mâm cỗ ngày Tết Trung thu của người Trung Quốc còn có các loại trái cây, mỗi loại mang một ý nghĩa khác nhau. Ví dụ: bưởi (tượng trưng cho những lời cầu chúc tốt lành mùa đoàn viên); lựu (biểu tượng của sự sinh sôi và may mắn dồi dào); dưa hấu (hạt: con đàn cháu đống, hình tròn: sự đoàn tụ của gia đình);…
Ngoài những món ăn phổ biến kể trên, thì tùy từng vùng miền ở mỗi đất nước sẽ có những văn hóa, tập tục khác nhau nên việc lựa chọn các món ăn cho mâm cơm ngày Tết Trung Thu sẽ có thay đổi rất đa dạng.
Nguồn: Tổng hợp