Phân biệt các loại măng tươi phổ biến dùng để nấu ăn
29/10/2024
Để dễ dàng phân biệt được các loại măng phổ biến có thể ăn được, hãy cùng Món Ngon Mỗi Ngày tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Măng là phần chồi non hoặc mầm của một số cây thuộc họ tre. Tùy địa phương sẽ có loại măng tre tươi ngon khác nhau, măng hương vị và đặc điểm hình dáng khác nhau. Vậy, để giúp các chị em nội trợ dễ dàng phân biệt được các loại măng phổ biến được dùng làm nguyên liệu nấu ăn ở nước ta, hãy cùng Món Ngon Mỗi Ngày tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Theo thống kê, khoảng 26 loại măng tre có thể dùng để làm thực phẩm, trong đó, nổi bật hơn hết có 8 loại:
1. Măng tre
- Đặc điểm của măng tre
Măng tre là tên gọi chung của nhiều loại tre như: Tre gai rừng, tre mỡ, tre bát độ, tre ngà,… những loại măng tre này là loại măng thường thấy ở hầu hết mọi miền Việt Nam, chúng dễ chăm sóc và mang lại sản lượng cao; vì vậy loại măng này có thể dễ dàng tìm thấy ở hầu hết các chợ thành thị cũng như vùng quê.
Măng bát độ và măng tre gai – Ảnh: FB-mangtregroup
Măng trecó dạng hình nón, phủ nhiều vòng nang cứng màu nâu và đầu xẻ tua ngắn. Sau hơn 2 năm trồng, những cây măng này sẽ bắt đầu cho thu hoạch và thường là mùa xuân (cuối tháng 12 đến tháng 2); khi chúng trồi lên mặt đất với kích thước từ 15-20cm. Do có sản lượng tốt nên thường được dùng làm măng sấy hoặc măng khô.
- Cách chọn mua măng tre
Để chọn mua măng tre tươi ngon thì nên chọn búp măng lá có độ dài vừa phải, hạn chế chọn những ngọn có phần ống thân dưới quá dài, đó là măng già. Nếu măng đã được gọt vỏ sẵn thì nên chọn những phần ngọn sạch, khi sờ vào phần gốc thấy mịn tay, mọng nước, không xơ cứng.
2. Măng le
- Đặc điểm của măng le
Măng le là loại măng có giá trị cao và ngon nhất trong tất cả các loài măng tre, măng trúc… Măng le được lấy từ cây le – một loại cây thuộc họ tre nứa. Cây le không có gai, thân rất dẻo với khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, sức sống bền bỉ, cây có thể lan rộng và sinh trưởng ở nhiều nơi và mọc thành bụi, đặc biệt là vùng có đất đỏ bazan phân bố nhiều nhất là các tỉnh Tây Nguyên như Đăklăk.
Măng le – Ảnh: lamnghiepkhanhhoa
Măng le hái về sẽ chia thành 2 loại là măng lóng và măng đọt và có thể dùng làm măng le khô hoặc măng le tươi ăn trực tiếp sau khi sơ chế cẩn thận. Loại măng này thường được thu hoạch từ tháng 5 tới tháng 10, riêng tháng 8 tới tháng 10 là lúc mùa vụ rộ nhất.
Kích thước măng le thường nhỏ, đường kính trung bình từ 2cm đến 4cm, chiều dài từ 5cm cho tới 25cm. Vỏ măng le khi tươi màu xanh nõn, đặc ruột, có vị ngọt bùi nhẹ, mùi thơm, có độ giòn và không bị chát hay đắng. Luộc chín măng chuyển sang màu vàng tươi.
- Cách chọn mua măng le
Các phần măng le tươi đều ngon, phần gốc tuy hơi xơ nhưng không quá cứng, tạo nên hương vị rất đặt trưng. Những ngọn măng còn nguyên vỏ sau khoảng 3 – 4 ngày sẽ có dấu hiệu thâm ở gốc, khi ăn hãy cắt bỏ phần này đi là có thể sử dụng bình thường. Trường hơp mua măng le sau khi tách vỏ nếu không chế biến ngay thì sau khoảng một đêm măng sẽ xuất hiện các chấm li ti thâm màu đen, bảo quản trong ngăn mát thì thể được 1 tuần.
3. Măng nứa
- Đặc điểm của măng nứa
Măng nứa có nguồn gốc từ các rừng nứa chủ yếu ở núi rừng Tây Bắc. Bên cạnh măng le thì măng nứa tươi còn được phơi khô để dùng được lâu và bán có giá trị rất cao.
Măng nứa – Ảnh: aphao
Măng nứa có kích thước nhỏ, bề ngang chỉ bằng ngón chân cái hoặc to hơn 1 chút, độ dài trung bình từ 6cm tới 10cm. Măng có vị ngọt và giòn, khi bóc ra có màu trắng nõn nhìn đẹp mắt, sau khi luộc với nước lạnh chuyển sang màu trắng ngà hoặc màu vàng nhạt. Măng nứa không đặc ruột, có lỗ hổng bên trong nên hay được dùng làm món măng nứa nhồi thịt. Khoảng thời gian măng nứa ăn ngon và mềm nhất là từ tháng 7 cho tới tháng 10.
- Cách chọn mua măng nứa
Người ta thường chọn những búp măng to để làm món măng nhồi thịt dễ dàng hơn.
Trường hợp làm các món xào hay nấu canh thì chọn những ngọn bé, độ dài tầm nửa gang tay. Búp măng có cả phần ống và phần lá thì càng ngon, ăn sẽ có cảm giác đậm vị hơn.
👩🍳 Xem thêm: Măng tươi – dinh dưỡng và lưu ý khi dùng măng
4. Măng vầu
- Đặc điểm của măng vầu
Măng vầu là phần non của cây vầu và thường có nhiều vào khoảng cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 dương lịch (sau tết Nguyên Đán) có nhiều ở vùng Tây Bắc. Măng vầu có ít chất độc hơn các loại măng tre, măng nứa.
Măng vầu – Ảnh: dantri
Vỏ măng có màu tím nhạt, dọc theo thân và phần ngọn có nhiều lông nhỏ xung quanh dễ bám vào da. Loại măng này nếu lột vỏ thì khoảng vài tiếng sau măng sẽ bị khô, cứng, mất đi độ mềm và ngọt tự nhiên, thế nên chỉ có thể bán khi để nguyên cả vỏ, không bán dạng sơ chế sẵn.
- Cách chọn mua măng vầu
Để phân biệt măng tươi và non, nên chọn những búp măng còn ngọn ở phía trên, đọt măng có độ dài vừa phải và còn nguyên vẹn. Loại măng ngắn là măng vừa nhô lên khỏi mặt đất, lúc này măng sẽ ít đắng hơn.
Măng vầu có hai loại là măng vầu ngọt và măng vầu đắng. Trong đó, măng vầu đắng thường có màu tím đậm hơn, phần thân giáp ngọn gọn nhọn, lớp bẹ đan xen nhau dày đều đẹp mắt. Măng vầu ngọt có lớp bẹ thuôn trơn hơn, phần lá trên ngọn của măng ngọt sẽ to, xòe và thưa hơn. Ngoài ra, măng vầu đắng có ở đầu mùa và có trước măng vầu ngọt.
5. Măng lay
- Đặc điểm của măng lay
Măng lay phổ biến ở vùng Tây Bắc, người địa phương thường gọi với tên gọi khác là “Nó Lay”. Loại măng này khó thu hoạch hơn cả vì mọc sâu trong rừng và dễ bị hỏng, mùa thu hoạch chính từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm khi mùa mưa bắt đầu. Chúng mọc thành từng bụi trên những sườn đồi, khe núi của núi rừng.
Măng lay – Ảnh: danviet
Măng lay có đặc điểm thân nhỏ, lá nhọn, bên ngoài có màu vàng nhạt, bên trong đặc ruột; măng lay được nhiều người biết đến với món ăn nổi tiếng là món măng lay luộc chấm chẩm chéo.
- Cách chọn mua măng lay
Măng lay thường được bán ở dạng nguyên vỏ. Cũng như măng le, các phần măng lay tươi đều ngon, phần gốc tuy hơi xơ nhưng không quá cứng, tạo nên hương vị rất đặt trưng.
6. Măng sặt
- Đặc điểm của măng sặt
Đươc xem là một trong những đặc sản của núi rừng Tây Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La; măng sặt được rất nhiều người yêu thích vì vị giòn, thơm, ngăm ngăm và bùi. Loại măng này thường xuất hiện vào tầm tháng 3 đến tháng 4 dương lịch hằng năm.
Măng sặt – Ảnh: tuoitre
Măng sặt có kích thước nhỏ hơn các loại măng khác, búp măng to cỡ chuôi liềm, thân măng thon dài và thẳng, phần vỏ khá nhiều; phần thịt bên trong màu trắng nõn, khi ăn măng sặt sẽ có vị hơi đăng đắng chứ không ngọt.
- Cách chọn mua măng sặt
Vì lớp vỏ nhiều nên khi lựa chọn măng sặt, thì cần phải chọn những búp măng càng to càng tốt, độ dài vừa phải vì phần thịt nhiều và dễ bóc vỏ hơn.
7. Măng lồ ô
- Đặc điểm của măng lồ ô
Măng lồ ô là cây non của loại tre lồ ô có nguồn gốc từ Ấn Độ, chúng mọc thành rừng và phân bố chủ yếu ở vùng rừng núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Mùa mưa khoảng từ tháng 6, tháng 7 đến tháng 10 là lúc măng lô ô mọc nhiều.
Măng lồ ô Tuyên Quang – Ảnh: cerafoods
Kích thước măng lồ ô to tròn, đường kính từ 3-5cm và cao khoảng 20-30cm; có những ngọn măng kích thước còn lớn hơn, bên trong có các khoảng rỗng. Một số giống măng lồ ô ở Tây Nguyên có kích thước nhỏ hơn măng vùng núi phía bắc. Phần thịt màu trắng, thân dưới nhiều và cứng.
- Cách chọn mua măng lồ ô
Măng lồ ô ngon có độ dài vừa phải, tránh chọn phần gốc vì chúng xơ cứng, không ngon.
8. Măng giang
- Đặc điểm của măng giang
Măng giang được lấy từ cây giang thuộc họ tre, măng mọc thành bụi lớn nhưng ở trong rừng, khá khó để thu hoạch vì thường bị các loại cây khác che mất. Loại măng đặc sản vùng núi Tây Bắc này thường thu hoạch vào khoảng tháng 8 dương lịch.
Măng giang – Ảnh: baoquangnam
Măng giang có vỏ cứng hơn các loại măng khác, càng trưởng thành thì có lớp vỏ càng cứng. Bên trong có nhiều khoang, thịt dày nhưng khi ăn lại có cảm giác mềm dai vừa pha chút giòn giòn, vị đậm đà và được đánh giá là ngon hơn măng tre.
- Cách chọn mua măng giang
Vì măng có vỏ cứng, nên cách tốt nhất để lựa chọn những ngọn măng non và ngon là mua những loại đã được bóc vỏ sẵn.
Ngoài ra còn một số loại măng khác cũng được ưa chuộng như: măng tứ quý, măng trúc, măng tầm vông, măng loi….
Nguồn: Tổng hợp (bachhoaxanh, taynguyenxanh)
Xem thêm:
👩🍳 Măng tươi – dinh dưỡng và lưu ý khi dùng măng
👩🍳 Hơn 20+ công thức nấu món ngon từ măng
👩🍳 6 cách rửa măng tươi đơn giản, hết sạch vị đắng mà an toàn