Măng tươi – dinh dưỡng và lưu ý khi dùng măng
12/10/2024
Măng là một thực phẩm quen thuộc có thể dễ dàng chế biến đa dạng như: món măng xào, món lẩu măng, món thịt kho măng,... Cùng Món Ngon Mỗi Ngày tìm hiểu thêm về dinh dưỡng từ loại măng tươi và chúng ta nên lưu ý gì khi sử dụng măng nhé!
Măng tươi là một loại thực phẩm khá quen thuộc với thực đơn hàng ngày. Món măng được yêu thích vì hương vị giòn ngọt đặc biệt và có thể dễ dàng chế biến đa dạng như: món măng xào, món lẩu măng, món thịt kho măng,…
Hôm nay, cả nhà mình hãy cùng Món Ngon Mỗi Ngày tìm hiểu thêm về dinh dưỡng từ loại măng tươi và chúng ta nên lưu ý gì khi sử dụng măng nhé!
Đặc điểm của măng tre tươi
Măng là chồi non (phần cây non hoặc mầm) của một số cây thuộc họ tre. Măng tre hình nón, được bao phủ bởi những vòng nang cứng xếp lồng lên nhau, đầu xẻ thành tua ngắn như mầm lá non. Măng tre thường được thu hoạch vào tháng 12 đến tháng 2 hàng năm tùy vùng; lúc này chồi non chỉ nhú khỏi mặt đất, có độ cao khoảng 15-20cm và chỉ dùng măng cây tre già hoặc tre mỡ.
Măng tre hình nón, được bao phủ bởi những vòng nang cứng xếp lồng lên nhau – Ảnh: embassy
Tùy loại thì măng sẽ có lớp vỏ ngoài màu nâu hoặc xanh pha trắng, lớp vỏ cứng bên ngoài không ăn được. Ruột măng màu trắng, có hương vị ngọt nhẹ tự nhiên và một chút đắng, tính mát và có độ tươi và giòn. Măng tươi thường phải luộc trước khi chế biến thành các món ăn, sau khi luộc phần thịt măng có màu vàng nhạt. Một số vùng khác thì làm măng muối chua với tỏi ớt, măng sấy hay măng khô.
Măng còn được đem phơi khô hoặc sấy – Ảnh: indiatoday
Có 8 loại măng phổ biến ở Việt Nam: măng le, măng tre, măng nứa, măng vầu, măng lay, măng sặt, măng lồ ô, măng giang
Dinh dưỡng từ măng tre tươi
Các thành phần dinh dưỡng trong măng rất phong phú, trong măng tươi có chứa nhiều chất xơ, cacbonhydrate, sắt, canxi, kali và các loại vitamin C, B6, B12, D…. Các chất này mang lại một số lợi ích cho sức khỏe như:
Giảm cân, kiểm soát cholesterol: Vì măng rất giàu chất xơ, lượng đường và calo không đáng kể nên sau khi ăn sẽ tạo cảm giác nhanh no và no lâu hơn. Ngoài ra, tỷ lệ carbohydrate thấp hơn so với các thực phẩm giàu chất xơ khác nên còn giúp làm giảm lượng cholesterol xấu.
Phần thịt măng màu trắng, có nhiều chất xơ – Ảnh: wixstatic
Tốt cho tim mạch: chất xơ trong măng giúp đào thải cholesterol xấu ra khỏi cơ thể; việc đào thải cholesterol dư thừa giúp thanh lọc động mạch và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Kết hợp với đó là selen, kali – khoáng chất thiết yếu có lợi cho tim, lượng carbohydrate và đường thấp giúp phòng các bệnh tim mạch.
Chống viêm và làm giảm nguy cơ mắc ung thư: chất phytosterol tự nhiên có trong măng góp phần như một chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa các gốc tự do, ức chế sự tăng trưởng và đột biến của các gốc tự do. Cùng đặc tính chống viêm làm giảm đau, viêm cũng như chữa lành vết loét.
Tăng cường miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp: Sự hiện diện của các vitamin thiết yếu như vitamin A, C, E, và B và khoáng chất cần thiết cho các hoạt động trơn tru của cơ thể, nâng cao khả năng miễn dịch. Do có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và kháng virus, Đông y thường dùng măng tre để làm giảm lượng đờm, hen suyễn, ngăn ngừa viêm phế quản, viêm đường hô hấp,…
Lưu ý khi sử dụng măng
- Để tránh bị ngộ độc măng, nên sơ chế măng thật kĩ và thật cẩn thận trước khi dùng. Nên chọn mua những cây măng tươi và còn non, rửa sạch, ngâm nước và luộc măng nhiều lần để loại bỏ hết độc tố trong măng sau đó mới đem chế biến thành món ăn. Lưu ý là khi luộc măng không nên đậy nắp nồi để chất độc có thể bay ra ngoài.
Măng tươi cần được luộc kĩ trước khi sử sụng, mau sau khi luộc có màu vàng nhạt – Ảnh: tnn
- Đối với măng khô hoặc măng sấy cũng nên chần qua nước sôi nhiều lần rồi mới sử dụng.
- Phụ nữ có thai, người bệnh thận, bệnh guot và người bị đau dạ dày là những nhóm người nên thận trọng khi dùng măng.
- Người tỳ vị hư hàn hoặc đang dưỡng bệnh không nên dùng măng tre.
- Trong măng có nhiều calcium oxalate khó tan, nên những người bị viêm thận, sỏi tiết niệu khi sử dụng phải hết sức thận trọng.
- Trong măng tươi có một một hoạt chất cyanogenic glycoside có thể gây ngộ độc, Chất cyanogenic glycoside cũng có trong củ sắn tươi. Nếu không luộc chín, cyanogenic glycoside sẽ chuyển hóa thành hydrogen cyanide và có thể dẫn tới ngộ độc.
- Nếu bị ngộ độc hay dị ứng, sau khi ăn măng sẽ có một số biểu hiện như nhức đầu, lợm giọng, buồn nôn, đau đầu…
Kết hợp với những thông tin hữu ích trên, cả nhà nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng là cách tốt nhất để bổ sung dinh dưỡng và lựa chọn những thực phẩm phù hợp cho từng thể trạng; mang lại sức khỏe tuyệt vời cho cả nhà nhé!
Nguồn: Tổng hợp (suckhoevadoisong)
Xem thêm:
👩🍳 6 cách rửa măng tươi đơn giản, hết sạch vị đắng mà an toàn
👩🍳 Phân biệt các loại măng tươi phổ biến dùng để nấu ăn
👩🍳 Hơn 20+ công thức nấu món ngon từ măng