Dùng nồi áp suất sao cho an toàn
25/04/2020
Sử dụng nồi áp suất đúng cách không những sẽ đảm bảo được tính an toàn và độ bền mà còn giúp đồ ăn Mẹ nấu trở nên ngon nữa đó. Hãy cùng Món Ngon Mỗi Ngày học nhanh các mẹo dùng và bảo quản nồi áp suất sao cho đúng cách nhất nhé! Kiểm …
Sử dụng nồi áp suất đúng cách không những sẽ đảm bảo được tính an toàn và độ bền mà còn giúp đồ ăn Mẹ nấu trở nên ngon nữa đó. Hãy cùng Món Ngon Mỗi Ngày học nhanh các mẹo dùng và bảo quản nồi áp suất sao cho đúng cách nhất nhé!
Kiểm soát lượng thức ăn vừa phải
Thịt, cá hay rau chỉ nên để tới ¾ của nồi – Ảnh: nguyenkimmall
Lượng thực phẩm quá nhiều sẽ dễ dẫn đến việc quá tải so với nồi, trào thức ăn ra ngoài miệng nồi, khiến nồi bị hư hại và còn ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. Thế nên Mẹ tuyệt đối không nên để thức ăn quá nhiều và đầy trong nồi. Cụ thể:
- Thịt, cá hay rau không nên để quá tới ¾ của nồi.
- Gạo hay thực phẩm từ gạo không để quá ⅔ nồi.
- Hầm đậu hay nấu súp không nên để cao quá ½ nồi.
Kiểm tra kỹ nồi áp suất trước khi sử dụng
Mẹ nên kiểm tra kỹ phần van xả áp và vòng cao su – Ảnh: dmx
Trước khi sử dụng nồi áp suất, Mẹ nên kiểm tra kỹ phần van xả áp và vòng cao su. Hai bộ phận này cực kỳ quan trọng trong quá trình nấu, chúng cần được bảo đảm không bị hư hỏng và phải được vệ sinh sạch. Bên cạnh đó, Mẹ cần kiểm tra kỹ các bộ phận khác như mâm nhiệt không được có cặn thức ăn; nắp nồi áp suất không sứt; phần vỏ không bị bóp méo, va đập gây lồi lõm,…
Kiểm tra nguồn điện
Kiểm tra nguồn điện là bước cực kì quan trọng mà Mẹ cần lưu ý. Để đảm bảo không xảy ra cháy hay chập điện, Mẹ cần kiểm tra xem nguồn điện có hoạt động tốt, trơn tru hay không? Việc cắm nồi áp suất điện riêng một ổ cắm sẽ mang lại sự an toàn cho gia đình hơn đấy!
Nhấn nút hay nhấc van xả áp trước khi mở nắp
Không chạm vào van xả và nắp nồi ngay khi vừa nấu xong – Ảnh: tgdd
Khi nồi đang hoạt động, Mẹ không cần phải trông coi kỹ càng như khi sử dụng những nồi thường. Với nồi áp suất, Mẹ chỉ cần thiết lập thời gian sao cho hợp lý với từng loại món ăn và chúng sẽ tự động ngắt điện sau khi nấu xong. Thế nhưng, phần van xả và nắp nồi là hai vị trí mà Mẹ không nên lại gần ngay khi tắt bếp/rút dây điện bởi nó có thể gây bỏng. Để lấy thức ăn ra khỏi nồi an toàn, Mẹ nhớ tắt bếp (với nồi gas) hay rút dây điện nguồn (với nồi áp suất điện) trước 5 – 10 phút. Sau đó, nhấn nút hay nhấc van xả áp để áp suất trong nồi được xả hết rồi mới được mở nắp.
Không dùng nồi điện để nấu trực tiếp trên bếp gas. Làm như vậy sẽ gây hỏng nồi, mất lớp chống dính. Cách dùng nồi áp suất như vậy có thể giảm độ bền và nguy hiểm.
Cách bảo quản nồi như thế nào?
Vệ sinh nồi trước và sau khi nấu thật kỹ – Ảnh: dienmaycholon
- Ngoài việc cọ rửa theo cách thông thường với nước rửa chén, Mẹ còn có thể dùng hỗn hợp gồm giấm, chanh, muối để loại bỏ những vết bẩn cứng đầu.
- Giữ nồi ở nơi khô ráo, sạch sẽ.
- Tránh gây rơi vỡ, làm nồi áp suất bị lồi lõm.
- Một lưu ý quan trọng nữa đó là Mẹ nên kiểm tra thêm một lần trước khi sử dụng nồi áp suất. Nồi vẫn còn hoạt động tốt, an toàn thì mới đưa vào sử dụng.
Đây là một số gợi ý về mẹo dùng nồi áp suất an toàn mà Mẹ nên biết. Món Ngon Mỗi Ngày chúc cả nhà sẽ có nhiều món ăn ngon với nồi áp suất an toàn nhé!
Nguồn: Tổng hợp