Chế độ ăn phòng ngừa dịch bệnh theo từng lứa tuổi
23/04/2020
Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi người trong gia đình đều có những chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân đối khác nhau để tăng cường đề kháng, miễn dịch cơ thể. Đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ… Cùng Món Ngon Mỗi Ngày học nhanh một số kiến thức …
Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi người trong gia đình đều có những chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân đối khác nhau để tăng cường đề kháng, miễn dịch cơ thể. Đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ…
Cùng Món Ngon Mỗi Ngày học nhanh một số kiến thức về dinh dưỡng mà cả nhà cần có trong mùa dịch nhé!
Chế độ dinh dưỡng cho Bé
Trẻ sơ sinh – 2 tuổi : biện pháp phòng chống lây nhiễm tốt nhất với trẻ nhỏ chính là sữa mẹ. Vì trong sữa Mẹ có chứa một loại prebiotic – HMO (Human Milk Oligosaccharides) nguồn thức ăn chính cho các lợi khuẩn thường trú trong hệ tiêu hóa của Bé, giúp chúng phát triển khỏe mạnh. Khi Bé lớn khoảng 1 đến 2 tuổi, Mẹ có thể cho Bé uống sữa công thức 300-500 ml một ngày. Ăn 4 bữa cháo hoặc súp mỗi ngày. Ăn quả chín theo nhu cầu. Lượng thực phẩm trong ngày bao gồm gạo (100-150 g); thịt hoặc cá, tôm (100-120 g); trứng gà 3-4 quả một tuần; dầu mỡ (25-30 g); rau xanh (50-100 g); quả chín (150-200 g).
Bé nên ăn cháo hoặc súp rau củ mỗi ngày để tăng đề kháng – Món Súp khoai bắp tôm
Trẻ 3-5 tuổi: Trẻ mẫu giáo và học sinh, cần ăn uống điều độ, đủ nhu cầu chất dinh dưỡng theo từng lứa tuổi. Trẻ bị biếng ăn nên bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, ăn nhiều quả chín, rau xanh, ăn 4 bữa/ ngày, lượng thực phẩm tăng dần. Không ăn bánh kẹo, nước ngọt, quả chín trước bữa ăn. Lượng thực phẩm hàng ngày bao gồm gạo (200-300 g); thịt hoặc cá, tôm (150-200 g); dầu mỡ (30-40 g), rau xanh (200-250 g), quả chín (200-300 g), sữa (300-400 ml).
Chế độ dinh dưỡng cho độ tuổi trưởng thành
Bổ sung vitamin tan trong nước, vitamin tan trong mỡ và các vi chất, đặc biệt vitamin A, C, E, Kẽm, Selen để tăng sức đề kháng, chống oxy hóa. Vitamin C có nhiều trong ổi, bí ngòi, súp lơ, dứa, cam, đu đủ, cà chua…; Vitamin E trong rau cải xanh, đu đủ, bơ, dầu từ các loại hạt…; Vitamin A có nhiều trong gan, cà rốt, bông cải, ớt ngọt…; Kẽm trong sò, đậu hà lan, đậu tương, lòng đỏ trứng…
Bí ngòi chứa hàm lượng vitamin C cao và cần thiết trong chế độ dinh dưỡng – Món Canh bóng cuộn bí ngòi
Nên ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm:
- Nhóm đường bột: ăn các loại gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn…
- Nhóm chất đạm: chọn các loại thịt như thịt lợn, gia cầm, đặc biệt nên ăn nhiều cá, tôm, cua, nên dùng đạm thực vật từ đậu nành…
- Chất béo: nên dùng các loại dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu nành…
- Nhóm vitamin: nên ăn nhiều rau xanh, quả chín, mỗi ngày nên ăn 400g – 500g rau, 200g – 400g quả chín.
Tránh ăn những thực phẩm sống hoặc chưa chín kỹ, trước khi ăn cần tráng nước sôi các đồ bát, đĩa, đũa, thìa…
Nên ăn nhiều nên ăn nhiều cá, tôm, cua để tăng cường đạm – Món Cá chép nấu riềng mẻ
Cần hạn chế các thực phẩm chứa nhiều axit béo như:
- Thịt nướng, thịt hun khói, các món quay, rán
- Các thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn như đồ hộp, thịt nguội…
- Các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá và các loại thức ăn bị, nấm mốc vì các thực phẩm nói trên có thể gây viêm trong cơ thể và làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
- Tăng cường thể dục, thể thao để rèn luyện, nâng cao sức khỏe.
Chế độ dinh dưỡng cho người lớn tuổi
Nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm 20%, người trên 70 tuổi giảm 30% so với người 25 tuổi. Khuyến nghị nhu cầu năng lượng với người cao tuổi là 1.700-1.900 kcal một ngày. Nhu cầu protein 60-70g một ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30% lượng protein (trứng, thịt, cá, sữa, đậu nành, bông cải xanh, nấm…).
Tăng cường protein mỗi ngày đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng – Món Đậu hũ hấp nấm nhật
Người cao tuổi nên ăn ít thịt, thay bằng thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua. Nên ăn ít nhất 3 bữa cá và 3 quả trứng một tuần. Bổ sung sữa chua để dễ tiêu và có lợi cho tiêu hóa.
Ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, trong đó tỷ lệ chất béo thực vật chiếm 35% tổng lượng chất béo. Đảm bảo ăn 3-4 bữa mỗi ngày, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp và nấu chín mềm. Uống 2-3 cốc nước lớn mỗi ngày.
Người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, gout… cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ về sử dụng thuốc điều trị và chế độ dinh dưỡng bệnh lý. Đây cũng là nhóm nguy cơ cao nhiễm Covid-19, do sức đề kháng và miễn dịch kém hơn người khác.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng Món Ngon Mỗi Ngày đã gợi ý, Mẹ và cả nhà nhớ thực hiện đúng hướng dẫn phòng tránh dịch của Bộ Y tế như:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn;
- Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay áo;
- Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng;
- Hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
- Thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường;
- Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông…
Món Ngon Mỗi Ngày chúc cả nhà luôn khỏe mạnh và có thật nhiều bữa ăn ngon nhé!
Nguồn: Tổng hợp