Học ngay bí quyết sơ chế hải sản từ các chuyên gia
26/12/2019
Sơ chế không kĩ mùi tanh của hải sản là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị của món ăn. Để khắc phục tình trạng này, Món Ngon Mỗi Ngày thử tìm hiểu xem các chuyên gia nấu ăn đã làm gì để luôn mang đến cho mọi người những món hải sản …
Sơ chế không kĩ mùi tanh của hải sản là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị của món ăn. Để khắc phục tình trạng này, Món Ngon Mỗi Ngày thử tìm hiểu xem các chuyên gia nấu ăn đã làm gì để luôn mang đến cho mọi người những món hải sản thơm ngon tuyệt vời nhất nhé!
1. Cá
Sau khi cạo vảy, cắt mang cá, vây cá. Mẹ dùng muối, chanh hoặc giấm chà xát trên thân cá và rửa lại thật kỹ từ bên trong lẫn bên ngoài cá bằng nước lạnh. Các loại cá da trơn như cá biển (ngoài ra còn có cá trê, cá kèo,…), để hết mùi tanh Mẹ nên dùng nước ấm nóng để cạo sạch phần nhớt, và loại bỏ phần mỡ trên da cá (đây là phần tập trung nhiều chất ô nhiễm từ nguồn nước)
Loại bỏ phần mỡ trên da vì đây là phần hấp thụ nhiều chất ô nhiễm từ nước – Món Cá trứng chiên xốt trứng muối
2. Tôm
Khi sơ chế, Mẹ đem tôm ngâm với một chút muối, rửa sạch rồi cắt bỏ phần đầu tôm, lột vỏ và dùng dao khứa dọc theo sống lưng hoặc dùng tăm rút sạch phần chỉ đen trên lưng tôm bỏ đi. Cuối cùng là rửa lại tôm 1 lần nữa cho sạch trước khi đem đi chế biến.
Mẹo nhỏ: Để dễ lột vỏ tôm hơn Mẹ có thể dùng cách đặt tôm nằm ngang trên thớt, dùng 2 ngón cái giữ 2 bên vỏ sát phần gần đầu và chân tôm, dùng lực tay đẩy nhẹ theo chiều thân tôm để vỏ bong ra.
3. Mực
Rửa sạch bằng rượu trắng, gừng, giấm hoặc chanh để khử tanh – Món Mực trứng nướng mỡ hành
Để sơ chế mực một cách hoàn hảo nhất, Mẹ thực hiện theo 6 cách sau:
- Bước 1: Nắm chặt và kéo nhẹ phần râu mực ra khỏi thân.
- Bước 2: Loại bỏ phần túi mực và tuyến tiêu hóa trên phần râu mực.
- Bước 3: Rút phần xương sống màu trắng ra khỏi thân mực.
- Bước 4: Xẻ dọc phần thân và loại bỏ phần nội tạng còn dính lại bên trong thân mực.
- Bước 5: Dùng dao cắt nhẹ một đường bên ngoài phía đầu thân mực để lột da mực.
- Bước 6: Rửa sạch bằng rượu trắng, gừng, giấm hoặc chanh để khử hoàn toàn mùi tanh rồi cắt theo yêu cầu món ăn.
4. Cua, ghẹ
Đối với cua, ghẹ thì Mẹ nên dùng bàn chải chà sạch các vết bẩn ở phần mai và càng cua rồi đem ngâm trong hỗn hợp nước muối pha loãng (khoảng 30 phút) rồi rửa sạch lại lần nữa.
Để tách phần mai cua một cách dễ dàng, Mẹ lột bỏ phần yếm trước, sau đó dùng một tay giữ chặt một bên chân của cua, tay còn lại bẻ mạnh phần mai cua ra và loại hết các phần lông cua bên trong.
Dùng bàn chải chà sạch các vết bẩn ở phần mai và càng cua rồi đem ngâm – Món Lẩu bầu cua
5. Hải sản có vỏ
Với những loại hải sản có vỏ như nghêu, sò, ốc…, cách sơ chế tốt nhất là ngâm với ớt cắt lát trước để chúng nhả hết bùn, cát và các chất bẩn bên trong. Trong quá trình ngâm, nếu thấy nước ngả màu bẩn có thể thay nước sạch để ngâm tiếp. Đến khi thấy nước sạch thì rửa lại một lần nữa qua nước lạnh rồi đem đi chế biến.
6. Sứa tươi
Sứa tươi là loại hải sản chứa nhiều nước, có lớp da khá dày và có thể có chứa độc tố. Khi sơ chế, bạn phải ngâm sứa tươi 3 lần trong nước muối pha loãng để loại bỏ chất độc có trong thân sứa (sau mỗi lần ngâm rửa sạch rồi ngâm tiếp). Hoặc bạn cũng có thể rửa sơ sứa rồi ngâm qua giấm trong 15 phút, sau đó rửa sạch lại bằng nước trước khi đem đi chế biến.
Ngâm sứa tươi 3 lần trong nước muối pha loãng để loại bỏ chất độc – Món Gỏi sứa sả tắc
7. Bạch tuộc
Đầu tiên Mẹ dùng kéo cắt và loại bỏ mắt và phần nội tạng, sau đó bóp bạch tuộc với bột mì và muối để loại bỏ chất bẩn trong các tua. Cuối cùng là rửa sạch lại bạch tuộc bằng nước sạch và để ráo trước khi chế biến.
Tuy nhiên, Mẹ cần lưu ý là không ướp bạch tuộc quá lâu, trường hợp để lâu phần nước trong bạch tuộc sẽ tiết ra, khi nướng phần thịt sẽ khô và không còn thơm ngọt nữa.
8. Nhum biển
Dùng kéo cắt hết phần gai bao quanh rồi khoét 1/2 hoặc 1/3 phần đầu nhum, loại bỏ phần nội tạng. Thịt nhum chính là phần kết thành múi có màu vàng đậm, nằm áp vào phần vỏ. Sau đó rửa sạch nhum và đem đi chế biến.
Vì nhum biển có nhiều gai nên Mẹ nhớ sử dụng găng tay trong quá trình chế biến nhé!
Thịt nhum chính là phần kết thành múi có màu vàng đậm – Ảnh: znews
9. Hải sâm
Có 2 cách sơ chế hải sâm tươi:
- Cách 1: Lột bỏ phần ruột hải sâm, rồi đem ngâm qua hỗn hợp rượu và gừng để khử mùi tanh, sau đó rửa sạch lại và chế biến.
- Cách 2: Nướng sơ hải sâm tươi, cạo bỏ lớp nhớt bên ngoài và ngâm trong nước lạnh 30 phút để hải sâm bớt mặn. Khi hải sâm mềm hẳn thì bóc hết lớp vỏ ngoài, luộc sơ và ngâm lại vào nước lạnh để tạo độ giòn.
Với hải sâm khô, Mẹ phải ngâm qua nước ấm trong khoảng thời gian từ 12 – 18 tiếng đến khi hải sâm mềm và có độ đàn hồi. Sau đó, dùng dao rạch nhẹ phần bụng để loại bỏ ruột rồi xả sạch.
10. Hải sản khô
Hầu hết các loại hải sản khô như tôm, cá, mực… đều được tẩm chất bảo quản, chất tạo màu hoặc nhiễm bụi bẩn từ bên ngoài trong quá trình phơi, sấy, vận chuyển, đóng gói. Để an toàn hơn hết, Mẹ nên rửa sạch qua nước lạnh hoặc chần sơ các loại hải sản khô trong nước đun sôi khoảng 15 phút để các chất có hại tan trong nước, sau đó để ráo rồi mới sử dụng để chế biến món ăn.
Có 10 bí kíp quan trọng này, từ nay Mẹ không cần phải lo lắng gì nữa rồi nhé! Nhất định trong bữa ăn sắp tới mà có món hải sản, Mẹ và Món Ngon Mỗi Ngày áp dụng ngay nào!
Nguồn: Tổng hợp