Những lợi ích từ trái bí ngòi mang lại có thể Mẹ chưa biết
10/10/2024
Quả bí ngòi được yêu thích nhờ tính mọng nước giải nhiệt, vị ngọt thanh và có thể dễ dàng chế biến thành những món ăn ngon hay thành thức uống.
Bí ngòi có tên khoa học là Zucchini hay Courgette cùng họ với dưa và dưa chuột. Đây là một trong những loại rau quả rất thích hợp cho mùa hè hay những ngày nắng nóng. Quả bí ngòi được yêu thích nhờ tính mọng nước giải nhiệt, vị ngọt thanh và có thể dễ dàng chế biến thành những món ăn ngon hay thành thức uống.
Đặc điểm của trái bí ngòi
Chúng ta biết đến bí ngòi như một loại rau, nhưng về mặt thực vật học thì chúng lại được phân loại là một loại trái cây. Bí ngòi là một loại quả thuộc họ bầu bí, được ưa chuộng trong ẩm thực nhờ vị ngọt nhẹ, thịt mềm và giàu dinh dưỡng.
Bí ngòi có hình trụ dài, thon gọn, tương tự như quả dưa chuột nhưng dài và to hơn. Tùy thuộc vào giống loài và thời gian thu hoạch, kích thước của bí ngòi khá đa dạng; chiều dài thông thường khoảng 15-25 cm và đường kính khoảng 5-8 cm.
Một số loại bí ngòi – Ảnh: beetfreunde
Bí ngòi cũng có đa dạng loại, có quả thì màu vàng, xanh đậm, xanh nhạt, trắng hoặc có sọc. Tuy nhiên, loại phổ biến nhất ở Việt Nam là màu xanh đậm. Vỏ bí ngòi thường mỏng, nhẵn và có một lớp phấn trắng bao phủ. Phần thịt bên trong là màu trắng ngà, mềm, mọng nước và có vị ngọt nhẹ. Hạt bí ngòi nhỏ và mềm có hình dáng tương tự hạt dưa leo, có thể ăn được khi quả còn non.
Lợi ích từ bí ngòi
- Chất chống oxy hóa
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bí ngòi cung cấp một lượng đáng kể các chất chống oxy hóa có lợi giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương do xơ vữa động mạch, ung thư, bệnh alzheimer,…Đặc biệt, thành phần carotenoid như lutein, zeaxanthin và beta-carotene còn có lợi cho một số bộ phận của cơ thể như mắt, da, tim, phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt,… Quả bí ngòi vỏ vàng sẽ có lượng chất chống oxy hóa cao hơn các quả vỏ xanh.
- Bảo vệ đường tiêu hóa
Trong bí chứa nhiều nước, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa tình trạng táo bón. Chất xơ hòa tan giúp hình thành dịch trong dạ dày, hấp thụ nước và tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển trong hệ tiêu hóa. Chất xơ không hòa tan có tác dụng kích thích sự di chuyển và xử lý chất thải trong đường ruột.
Bí ngòi chứa nhiều nước hỗ trợ bảo vệ tiêu hóa – Ảnh: allthatgrows
- Bảo vệ tim mạch
Bí ngòi có thể cải thiện sức khỏe tim mạch chủ yếu nhờ vào Pectin – Chất xơ hòa tan giúp giảm mức cholesterol xấu LDL và Cholesterol toàn phần. Kali – giúp điều hòa nhịp tim và huyết áp, giảm sự co bóp của mạch máu. Ccarotenoid đề phòng mắc các bệnh tim mạch như viêm mạch và xơ vữa động mạch.
- Cải thiện thị lực
Vitamin C, beta-carotene, lutein và zeaxanthin là những hợp chất có trong bí ngòi giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể do vấn đề tuổi tác gây ra.
- Hỗ trợ giảm đường, giữ dáng
So với nhiều loại thực phẩm khác thì hàm lượng carbohydrate trong bí ngòi khá thấp, ít đường hơn. Do đó, trái bí ngòi rất phù hợp cho những người đang mắc các bệnh liên quan đến tiểu đường hoặc đang trong quá trình giảm cân giữ dáng. Ăn bí ngòi có thể tạo cảm giác giảm cảm giác đói, thèm ăn, thay vào đó sẽ giúp người ăn no lâu mà không dung nạp quá nhiều calo gây tích mỡ, kiểm soát được việc tiêu thụ quá nhiều calo trong các bữa ăn.
- Tốt cho xương
Chất chống oxy hóa lutein và zeaxanthin, vitamin K và magiê có trong bí ngòi là các thành phần dinh dưỡng giúp xương chắc khỏe hơn, duy trì và kích thích hệ xương khớp phát triển.
Phần thịt bí ngòi màu trắng ngà, hột mềm có thể ăn khi bí non – Ảnh: footnetwork
Lưu ý khi ăn bí ngòi
Ăn bí ngòi quá nhiều và liên tục trong nhiều ngày có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, rụng tóc ở một số thể trạng khác nhau. Vì vậy, chỉ nên ăn vừa phải và cần phải lựa chọn mua bí ngòi tại các cửa hàng có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.
Ngoài ra, trong bí ngòi chứa rất nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ không hòa tan. Nếu ăn chúng quá nhiều sẽ dẫn đến việc tiêu hóa kém, gây chướng bụng, tích tụ khí trong dạ dày và ruột, gây ra cảm giác đầy hơi.
Nên rửa kỹ bí ngòi để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn hoặc hóa chất có thể tồn tại trên bề mặt của nó.
Lựa những quả bí có vỏ mịn, màu sáng, không bị bầm, không có vết nứt, sưng phình hoặc có dấu hiệu hư hỏng,
Sau khi rửa sạch, hãy cắt bí thành miếng nhỏ và ăn ngay lập tức. Việc tiếp xúc với không khí có thể làm cho bí ngòi nhanh bị hỏng.
Xem thêm: Tổng hơp những cách nấu bí ngòi – món ăn thanh mát cho mùa hè này
Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu. Cả nhà đừng quên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng, để bổ sung thêm dinh dưỡng và lựa chọn những thực phẩm phù hợp cho từng thể trạng; mang lại sức khỏe tuyệt vời cho cả nhà nhé!
Nguồn: Tổng hợp (hoanmy.com)